Đang truy cập : 1
Hôm nay : 51
Tháng hiện tại : 4110
Tổng lượt truy cập : 883138
Gắn bó với con cá quê hương
Tuổi thơ của Ngô Phước Hậu gắn bó với An Giang. Ông thường lang thang trên những cánh đồng Châu Đốc nổi tiếng là vựa cá của ĐBSCL. Chính tuổi thơ ấy đã in sâu trong ký ức của ông, khiến ông có một nghị lực lớn, khi đưa con cá quê hương mình thành thương hiệu hàng đầu.
Thời sinh viên, ông học tại Đại học Tổng hợp TP.HCM rồi sớm về Công ty Thủy sản An Giang làm cán bộ cung tiêu. Thời đó, nếu ở lại thành phố, mọi sự chắc chắn thuận lợi cho ông hơn; bởi: với sức học và ý chí của mình, ông sẽ không khó gặt hái thành công. Nhưng, như một món nợ phải trả, ông quay về quê hương khi đó hãy còn là một vùng đất nghèo và chưa có nhiều sản phẩm tên tuổi.
Ông đã đóng 20 bè cá basa đầu tiên cho công ty của mình để từ thu bắt tự nhiên chuyển sang nuôi trồng công nghiệp. Song cuộc “cách mạng” của ông đã đại bại vì khi đó việc đánh bắt cá tự nhiên còn quá dễ dàng và thị trường tiêu thụ trong nước hầu như chưa biết đến loài cá này. Ông đã phải nuôi giấc mộng cá basa bằng việc đi gom heo, bò, gà, vịt… để xuất qua Nga, duy trì Công ty.
Sự kiên trì cuối cùng cũng được đền đáp, khi vào năm 1988 ông đã giới thiệu cá basa với một bạn hàng Úc, họ nhận thấy cá rất ngon. Tuy vậy, cần phải thay đổi cách chế biến và cần phải xuất khẩu dưới dạng cá fillet. Lô hàng cá basa Việt Nam đầu tiên đã được xuất khẩu ra thế giới.
Con cá quê hương An Giang đã được ghi vào lô hàng xuất khẩu bằng tiếng Anh. Cũng chính từ ngày đó, quê hương An Giang của ông bước vào một thời khắc đáng nhớ, khi một ngành nghề nuôi trồng thủy sản mới với con cá basa được mở ra. Người nông dân bắt đầu thay đổi tập quán đánh bắt chuyển sang nuôi trồng.
Chinh phục Đông Tây
Năm 1990, cá basa fillet của An Giang lần đầu tiên được xuất khẩu tới Mỹ, thông qua một công ty ở Hồng Kông. Thậm chí lúc này, con cá basa còn phải chấp nhận cảnh để doanh nghiệp nước ngoài đứng tên, bởi nhiều lý do. Nhưng hơn hết, việc tiêu thụ đã mở ra những vùng nuôi và tạo ra những người nông dân công nghiệp. Đây là bước quá độ để cá basa Việt Nam vượt qua các hàng rào đi xa hơn.
Agifish là doanh nghiệp tiên phong đưa cá tra vào thị trường Mỹ - Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Với một giống cá mới, dù ngon tới mấy, nhưng điều người ta lo lắng là chế biến nó thế nào? Có quá phức tạp hay không? Tháng 3/1999, trong Hội chợ Thủy sản quốc tế Boston ở Mỹ, kỹ sư Ngô Phước Hậu đã thuê được một đầu bếp Mỹ đứng ra chế biến các sản phẩm từ cá basa bán ngay tại hội chợ. Nhiều công ty nhập khẩu của Mỹ nếm thử các món mới này và ngay sau đó các đơn hàng được ký kết. Từ đó, Việt Nam đã xuất khẩu trực tiếp được các sản phẩm cá basa qua Mỹ, một thị trường lớn và khó tính.
Sự phát triển mau chóng của thị trường cá basa Việt Nam đã dẫn tới vụ kiện của những người nuôi cá da trơn (catfish) của Mỹ… với con cá này. Những rắc rối của vụ kiện cũng làm cho tên tuổi con cá Việt Nam trở nên “hot” và hàng loạt nước châu Âu đã săn đón sản phẩm Việt Nam, trong khi thị trường Mỹ cũng buộc phải mở cửa cho cá basa, vì quyền lợi của người tiêu dùng Mỹ.
Các thị trường châu Âu, Mỹ, châu Á và Úc đều đón nhận cá basa. Nhân dân hàng trăm nước đã được thưởng thức hương vị cá basa ĐBSCL. Thậm chí nhiều bộ phim kể về huyền thoại con cá này được làm ra, nhiều chuyến viễn du của các nhà nghiên cứu đi tìm nguồn gốc con cá. Trong khi đó, ông Ngô Phước Hậu lại đang lo đưa cá basa vào thị trường Việt Nam. Với thói quen ăn gà, lợn, vịt, bò…, phần nhiều người Việt Nam thích sử dụng sản phẩm hải sản đánh bắt tự nhiên, tươi sống. Nhưng với hàng trăm mặt hàng sơ và tinh chế, cùng với sự phát triển các siêu thị và sự phát triển đời sống hiện đại, sản phẩm cá basa tiêu thụ ngày càng nhiều tại Việt Nam và Agifish chính là một trong số các doanh nghiệp được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm.
Bảo vệ uy tín thương hiệu
Tại nhiều cuộc hội thảo, trong đó không ít cuộc có cả chuyên gia nước ngoài, người ta đã bàn cách đặt tên cho sản phẩm cá basa Việt Nam. Mỗi nước, mỗi thị trường có một cách gọi đối với con cá này. Song chung quy họ đều biết, chúng được đem đến từ Việt Nam. Dường như với ông Ngô Phước Hậu, chính quê hương Việt Nam được tôn vinh mới là điều quan trọng. Theo ông, việc tranh giành tên tuổi, khẳng định thương hiệu chỉ là bề nổi; điều cần thiết hơn là phải cung ứng cho thị trường những sản phẩm tốt nhất. Không ai giả mạo được ĐBSCL; bởi vậy không ai giả mạo được cá basa Việt Nam. Hãy để người nước ngoài được gọi tên sản phẩm đến từ Việt Nam theo cách gọi truyền thống và sở thích của họ bao năm qua.
Giờ đây công việc của các nhà nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu Việt Nam không còn là khẳng định thương hiệu cho con cá này nữa, mà đã chuyển sang giai đoạn giữ vững uy tín, đẳng cấp, cùng chia sẻ lợi nhuận kinh doanh của mình đến với người tiêu dùng khắp thế giới, để chứng tỏ rằng sự tín nhiệm của người tiêu dùng đối với cá basa Việt Nam chính là đặt niềm tin đúng chỗ.
>> Trong một lần gặp gỡ với báo giới, ông Ngô Phước Hậu nói: "Nên quên cái tên basa Mê Kông đi, và chỉ nên xây dựng thương hiệu cá tra, cá basa với cái tên quốc tế Pangasius". |
Tác giả bài viết: Nguyễn Anh
Những tin mới hơn